26/09/2023
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trở thành nhân tố then chốt đối với sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của quốc gia. Từ đó, đòi hỏi các trường đại học và học viện cần phải thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao KHCN, đóng vai trò chính trong mặt trận KHCN. Đội ngũ giảng viên tại các trường đại học phải thực sự là lực lượng nòng cốt để thực hiện các nhiệm vụ KHCN đó.
Trường Đại học Hồng Đức luôn coi hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường. Định hướng NCKH và chuyển giao công nghệ của Nhà trường là gắn kết chặt chẽ giữa NCKH và phát triển công nghệ với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo tại Trường, phù hợp với định hướng khoa học, công nghệ của Quốc gia và tỉnh Thanh Hoá, đáp ứng nhu cầu ứng dụng KH&CN vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH luôn được đầu tư và quan tâm bởi các chính sách cải tiến như: Mức chi cho đề tài NCKH các cấp được nâng lên: Đề tài cấp Bộ thực hiện bởi ngân sách Nhà trường, mức chi từ 60-65 triệu được nâng lên từ 70-75 triệu/đề tài; đề tài cấp cơ sở mức chi được sửa đổi thành 10-15 triệu/đề tài; đề tài cơ sở trọng điểm mức chi từ 35-40 triệu/đề tài; đề tài NCKH của sinh viên từ 1.500.000đ/đề tài lên mức 2.000.000đ/đề tài. Mức hỗ trợ cho các tác giả có bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế tăng: Đối với các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa quốc tế có uy tín: hỗ trợ 20 lần mức lương cơ sở cho 01 bài báo trong danh mục Web of Science và được tổ chức SCImago xếp hạng Q1; 15 lần mức lương cơ sở đối với 01 bài báo thuộc danh mục Web of Science và được Scimago xếp hạng Q2; 10 lần đối với bài báo được xếp hạng Q3 và Q4, hỗ trợ 5 lần mức lương cơ sở đối với 01 bài báo được công bố trên tạp chí có uy tín khác trong danh mục Scopus hoặc ESCI của Web of Science. Tăng mức hỗ trợ về ăn, ở, di chuyển, sinh hoạt phí đối với chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài đến làm việc tại Trường, …. Với những chính sách đổi mới và đầu tư cho các hoạt động NCKH, năm học 2022-2023, Trường Đại học Hồng Đức đã đạt được kết quả đáng ghi nhận sau:
Trong năm tổ chức thực hiện 111 đề tài, dự án KH&CN các cấp, trong đó, có 49 đề tài được phê duyệt mới trong năm học (01 đề tài KH&CN cấp Quốc gia thuộc Dự án KNTW; 01 đề tài Bộ NN&PTNT, 01 đề tài Bộ KH&CN, 5 đề tài Bộ GD&ĐT; 06 đề tài cấp tỉnh; 35 đề tài cấp cơ sở); 51 đề tài đã nghiệm thu (05 đề tài cấp Nhà nước và tương đương; 07 đề tài cấp tỉnh, cấp bộ và 40 đề tài cấp cơ sở), được các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương phối hợp chuyển giao, ký kết hợp đồng đưa vào sản xuất, sản phẩm Giường bệnh đa năng của PGS. TS. Lê Viết Báu đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thời hạn 5 năm theo Quyết định 12471w/QĐ-SHTT ngày 25/7/2022; Quy trình “chiết cao giàu polysaccarit từ rễ củ Sâm báo (Abelmoschus sagittifolius)” của tác giả PGS. TS. Đinh Ngọc Thức đã được chấp nhận đăng ký sáng chế theo Quyết định số 61159/QĐ-SHTT-IP ngày 14/8/2023 của Cục Sở hữu trí tuệ.
Tổ chức 58 hội nghị, hội thảo khoa học các cấp, thu hút được số lượng lớn các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự (trong đó tổ chức thành công 03 hội thảo quốc tế).
Xuất bản 8 số Tạp chí khoa học/năm (tăng 02 số so với định kỳ; 05 chuyên ngành của Tạp chí tiếp tục duy trì được Hội đồng GSNN năm 2022 tính điểm công trình. Công bố trên 320 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín, trong đó có 60 bài báo trên các tạp chí quốc tế (thuộc danh mục Web of Science, Scopus).
Tổ chức biên soạn 11 tài liệu dạy học và phê duyệt, đưa vào sử dụng tại Trường.
Triển khai đánh giá 06 SKKN trong CBVC-NLĐ và lựa chọn những SKKN có giải pháp sáng tạo, có khả năng ứng dụng vào sản xuất và đời sống để áp dụng và nhân rộng.
Thực hiện 108 đề tài NCKH sinh viên, trong đó có 59 đề tài cấp khoa, 49 đề tài dự thi cấp trường và cấp bộ. Trong năm 2022, có 03 nhóm sinh viên Nhà trường tham dự Giải thưởng “Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Kết quả có 01 đề tài “Thiết kế và sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử thế giới lớp 6 ở trường trung học cơ sở tỉnh Thanh Hóa” đã đạt giải khuyến khích.
NCKH là hoạt động trí tuệ đặc biệt của con người, mang tính đặc thù, phức tạp, có nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi trình độ tư duy khoa học và sáng tạo cao, cần có đủ động lực nghiên cứu để khơi dậy tiềm năng nghiên cứu và đánh thức năng lực nghiên cứu, nhằm tìm lời giải và tri thức mới cho các vấn đề đang đặt ra. Để tiếp tục phát huy vai trò và tầm quan trọng của NCKH đối với việc phát triển đội ngũ CBGV, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển Nhà trường, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho CBGV về hoạt động NCKH: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN, chiến lược phát triển KH&CN; quán triệt sâu sắc luật KH&CN, các quy định, quy chế của Bộ, Ngành, tỉnh Thanh Hóa về KH&CN để CBGV có định hướng hoạt động, có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ NCKH; làm cho từng giảng viên thấy rằng NCKH là nhiệm vụ, nhưng đó là nhiệm vụ được thực hiện trên tinh thần tự giác với niềm say mê và sáng tạo để không ngừng phát triển nội lực chứ không phải là nhiệm vụ có tính chất áp đặt.
Hai là, xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển đội ngũ CBGV trong đó cần đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Chính những nhà khoa học đầu ngành có năng lực và tâm huyết với NCKH sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững hoạt động NCKH của Nhà trường. Tăng cường gắn kết đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học, khuyến khích cả thầy hướng dẫn và học viên, nghiên cứu sinh (NCS) nỗ lực công bố các công trình nghiên cứu. Tạo điều kiện thuận lợi và cộng điểm NCKH vào điểm luận văn, luận án cho các học viên và NCS cùng tham gia các đề tài, dự án KH&CN các cấp với giảng viên hướng dẫn, hoặc giảng viên khác; quy định cộng thêm điểm cho luận văn, luận án nếu có nhiều hơn số bài báo khoa học tối thiểu được công bố. Điều này sẽ thúc đẩy cả thầy hướng dẫn và học trò tích cực nghiên cứu, cùng đứng tên trong các công bố khoa học.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong NCKH và chuyển giao công nghệ, kết nối giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho giảng viên được hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp giúp họ bám sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nắm được các vấn đề tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp, làm cơ sở để giảng viên nuôi dưỡng các ý tưởng mới, hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu, tạo điều kiện cho giảng viên thuận lợi đề xuất vấn đề nghiên cứu và tìm kiếm được nguồn tài trợ cho đề tài nghiên cứu từ doanh nghiệp để áp dụng kết quả nghiên cứu phục vụ doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế trong NCKH, thu hút NCS nước ngoài. Nhà trường cần tăng cường hợp tác quốc tế về NCKH theo chiều sâu, thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin KHCN với các trường đại học, các đối tác, mạng lưới KHCN ở nước ngoài, gắn kết với cộng đồng KHCN trên thế giới, xây dựng hướng nghiên cứu mới theo xu hướng phát triển của thế giới. Tăng cường liên kết với các nhà khoa học và các đối tác ở nước ngoài, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các chương trình NCKH của quốc tế và thu hút các nhà khoa học nước ngoài tham gia các đề tài, dự án khoa học do Nhà trường chủ trì. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tài chính thoả đáng để đầu tư thu hút các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học nước ngoài, kí kết hợp đồng hợp tác NCKH, có chính sách thu hút các nghiên cứu sinh giỏi từ nước ngoài tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ và sang nghiên cứu lâu dài tại Trường, đóng góp cho Trường bằng các kết quả nghiên cứu và các công bố quốc tế, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra của địa phương và Nhà trường.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua nói chung và hoạt động NCKH nói riêng sâu rộng đến tận cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào thi đua, khơi dậy được ý thức tự giác và sức sáng tạo của CBVC-NLĐ trên tất cả các lĩnh vực. Từ thực tiễn của phong trào thi đua, lựa chọn những đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc để nhân rộng, động viên, khen thưởng kịp thời và chính xác./.
Tin bài: VP. Công đoàn trường