08/01/2024
Đây là nghiên cứu sinh đầu tiên của chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn – Tiếng Việt (là Nghiên cứu sinh thứ 10) do Trường Đại học Hồng Đức đào tạo bảo vệ thành công luận án, do đó có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu thành công của một chuyên ngành đào tạo mới ở bậc Tiến sĩ, tạo động lực mạnh mẽ cho Nhà trường, khoa và bộ môn cũng như các NCS của chuyên ngành.
Toàn cảnh Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường
Đến dự buổi bảo vệ luận án của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ, có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; ThS. Mai Xuân Thắm, Phó Chủ tịch Công đoàn trường, PGS.TS Lương Thị Kim Phượng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học; PGS.TS. Mai Văn Tùng – Trưởng khoa KHXH; TS. Cao Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Hồng Đức; các giảng viên, sinh viên nhà trường quan tâm đến vấn đề nghiên cứu; bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của NCS.
Dưới sự chủ trì của PGS. TS. Lê Thị Phượng – Chủ tịch Hội đồng; Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ. Các thành viên Hội đồng đánh giá cao những nỗ lực của NCS trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
PGS. TS. Lê Thị Phượng – Trường Đại học Hồng Đức, Chủ tịch Hội đồng phát biểu chủ trì buổi bảo vệ luận án cấp trường
Trước tập thể Hội đồng khoa học, NCS. Lưu Thị Thanh Thuỳ đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu chính của luận án. Theo đó, luận án đã nghiên cứu xác định được cấu trúc, các biểu hiện, tiêu chí đánh giá NL TDPB của HS THPT trong đọc hiểu văn bản thơ trữ tình; đề xuất các nguyên tắc, biện pháp phát triển NL TDPB cho HS trong dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình ở trường THPT nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học thơ trữ tình, đồng thời góp phần phát triển các năng lực cốt lõi cho HS đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Tại buổi bảo vệ, các thành viên trong Hội đồng đã lần lượt trình bày bản nhận xét, đánh giá luận án và đặt câu hỏi cho NCS. Thư ký hội đồng tổng hợp các ý kiến nhận xét của các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo trên cả nước về bản tóm tắt luận án. NCS trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng và các nhà khoa học để làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến luận án.
Kết quả, Hội đồng đánh giá cao chất lượng của luận án, đặc biệt những đóng góp của luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc nghiên cứu và giảng dạy chương trình Ngữ văn hiện nay trong các trường phổ thông. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, luận án của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ đã có những đóng góp mới cả về lí luận và thực tiễn như: Bổ sung lí thuyết về cấu trúc, tiêu chí đánh giá năng lực TDPB của học sinh trong dạy học thơ trữ tình; bổ sung một số luận điểm mới về các yêu cầu và biện pháp phát triển NLTDPB cho học sinh THPT trong giờ dạy học thơ trữ tình; góp phần hoàn thiện hóa hệ thống lí thuyết dạy học thơ trữ tình ở nhà trường phổ thông; nâng cao hiệu quả dạy học thơ trữ tình, phát triển NL TDPB cho học sinh, phát triển năng lực tự học của học sinh; là tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy học thơ trữ tình và phát triển NL TDPB cho học sinh ở nhà trường THPT; là tài liệu tham khảo trong đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường sư phạm.
ThS. Mai Xuân Thắm, Phó Chủ tịch, thay mặt BCH Công đoàn trường
tặng hoa động viên, chúc mừng Đoàn viên công đoàn Lưu Thị Thanh Thuỳ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Luận án “Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình ở trường Trung học phổ thông” của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ đã được hội đồng đánh giá luận án cấp trường thông qua với số phiếu 7/7 (6/7 thành viên hội đồng bỏ phiếu đạt xuất sắc). Hội đồng thống nhất cho nghiên cứu sinh được chỉnh sửa hoàn thiện luận án theo ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng; đồng thời đề nghị Trường Đại học Hồng Đức hoàn thiện các thủ tục và công nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt cho NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ, nâng tổng số đoàn viên Công đoàn nhà trường có học vị Tiến sĩ lên 186 người (trong đó có 28 Phó Giáo sư), đưa tỷ lệ đoàn viên công đoàn,VC, NLĐ là giảng viên Nhà trường có học vị Tiến sĩ trở lên đạt 45,7%, trong khi tỷ lệ bình quân của các trường đại học trong toàn quốc là 31%. Đây có thể nói là niềm tự hào lớn của Nhà trường, Công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cho VC, NLĐ và đoàn viên công đoàn, nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước./.
Đại biểu tham dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ
của Đoàn viên công đoàn Lưu Thị Thanh Thuỳ chụp ảnh lưu niệm.
Tin bài: VP Công đoàn trường