24/10/2023
Trường Đại học Hồng Đức nói chung và Công đoàn trường nói riêng luôn xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dường kiến thức Quốc phòng- An ninh cho đoàn viên công đoàn, CBVC-NLĐ là hết sức quan trọng, nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.Sáng ngày 30/7/2023, tại Hội trường lớn, được sự đồng ý của Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh thành phố Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức Khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 năm 2023.
Dự khai mạc lớp học có đồng chí Trịnh Ngọc Bân – Chính trị viên, Phó Ban Chỉ huy quân sự thành phố Thanh Hoá; các đồng chí báo cáo viên đến từ Học viện An ninh nhân dân: Trung tá Phạm Thành Công, Khoa An ninh thông tin và Trung tá Phạm Văn Cường, Khoa Quân sự - Võ thuật – TDTT. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban tổ chức lớp học; các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể cấp trường và 196 đoàn viên công đoàn, CBVC-NLĐ thuộc đối tượng 4.
Quang cảnh khai mạc lớp học
PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường,
Trưởng Ban tổ chức lớp học phát biểu khai mạc lớp học
Phát biểu Khai mạc lớp học, có PGS.TS. Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban tổ chức lớp học nhấn mạnh: “Trong những năm qua, sự biến đổi của tình hình thế giới và khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động, phức tạp, khó lường. Tình hình xung đột nội chiến giữa 1 số nước trên thế giới hiện nay đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho khu vực và cả thế giới.
Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…. diễn biến nghiêm trọng. Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Do đó, vấn đề giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và cấp bách đặt ra nhiều thách thức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Để góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh quốc gia cần có nhiều giải pháp và một trong các giải pháp quan trọng đó là phải tích cực bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Thông qua đó, các cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên thấy rõ được vị trí, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh (QP-AN). Từ đó vận dụng kiến thức đã được học vào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở đơn vị theo chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ quan, đơn vị khu dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở cơ sở”.
Để lớp học đạt được mục đích đề ra, PGS.TS. Bùi Văn Dũng yêu cầu các học viên cần tham gia đầy đủ, nắm chắc các nội dung cơ bản đã được học để từ đó làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên và người dân nơi cư trú; chấp hành và thực hiện tốt quy chế của lớp học, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đối tượng 4 năm 2023. Các đồng chí trong Ban tổ chức lớp học duy trì nghiêm nội quy, quy chế của lớp học; thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình mà Ban chỉ đạo lớp học đã đề ra.
ThS. Phạm Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm GDQPAN, Uỷ viên trực lớp học phổ biến nội dung, chương trình học tập của lớp học
Theo đó, trong thời gian 4 ngày từ 30/7 đến 2/8, các học viên tham gia lớp học sẽ được nghiên cứu, học tập các chuyên đề như: Đường lối, quan điểm của Đảng về chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quốc phòng, an ninh; Quan điểm của Đảng về chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố QPAN và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; về bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng; quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong tình hình mới; về dân tộc, tôn giáo gắn với QPAN trong tình hình mới; Phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nội dung cơ bản về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới và nội dung cơ bản của một số Luật: Quốc phòng, An ninh quốc gia, An ninh mạng, Nghĩa vụ Quân sự, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Dân quân tự vệ, Lực lượng dự bị động viên; phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; xây dựng, quản lý lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Kết thúc lớp học, học viên tham gia viết bài thu hoạch cuối khóa và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Giáo dục Quốc phòng - An ninh thuộc đối tượng 4 theo đúng quy định của Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh./.
Đại biểu tham dự và học viên tham gia lớp học chụp ảnh lưu niệm
Tin bài: VP. Công đoàn trường